VẪN ĐANG TÌM MIỀN ĐẤT MỚI CHO THANH LONG

01/09/2021

Được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực và thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam, nhưng hiện nay thanh long xuất khẩu đang gặp khó khăn ở thị trường chính. Thực tế đó cho thấy cần phải nhanh chóng tìm các thị trường tiềm năng thay thế khác.

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú, hiện nay, thị trường xuất khẩu của thanh long Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…, trong đó thị trường chủ lực là Trung Quốc với 80% thị phần xuất khẩu. Tuy nhiên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay xuất khẩu thanh long cũng như trái cây tươi của Việt Nam sang Trung Quốc gặp khó khăn do bị siết chặt quy trình thông quan - kiểm dịch, hoặc một số cửa khẩu tiểu ngạch với nước ta bị đóng do tình hình dịch Covid-19.

Nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, không chỉ ở thời điểm dịch bùng phát như hiện nay thì xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc mới khó khăn, mà ngay cả vào thời điểm chưa có hoặc lúc kết thúc dịch bệnh trước đây, thị trường này cũng không còn là mảnh đất màu mỡ. Bởi vì, đến thời điểm này, Trung Quốc đã chủ động trồng và phát triển được cây thanh long với tổng diện tích lên tới 35.555ha (tương đương với diện tích thanh long mà nước ta đang có) để giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Ông Vũ Bá Phú lo ngại: “Tôi chưa nói tới chất lượng, nhưng chắc chắn với công nghệ rất tân tiến của Trung Quốc hiện nay thì năng suất thanh long Trung Quốc sẽ cao hơn của chúng ta và đây sẽ là sức ép cạnh tranh rất lớn đối với thanh long Việt Nam không chỉ trên thị trường Trung Quốc mà cả trên thị trường thế giới”.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm, lượng thanh long nhập khẩu của Trung Quốc giảm 21,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu thanh long từ Việt Nam giảm 21,6% về lượng và giảm 21,1% về trị giá. Điều này cho thấy, nước này đang giảm nhu cầu nhập khẩu những nông sản mà họ đã dần chủ động canh tác được.

Để tháo gỡ khó khăn cho trái thanh long, theo các chuyên gia, để tính kế dài hơi, cần nhanh chóng tìm kiếm các thị trường tiềm năng tại EU, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Australia, Trung Đông… giúp doanh nghiệp kết nối giao thương, xây dựng thương hiệu, xúc tiến xuất khẩu. Thực tế, những năm gần đây, không chỉ thị trường Trung Quốc, thanh long Việt Nam còn xuất khẩu sang Ấn Độ, New Zealand, Nhật Bản, Chile… Và mới đây, thanh long đang tiếp tục được đẩy mạnh xúc tiến sang Australia, Ấn Độ, Pakistan.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, sự kiện “Tuần lễ thanh long Việt Nam tại Australia” được tổ chức từ tháng 7 đến tháng 10, cho thấy nhu cầu nhập khẩu thanh long của các đối tác phân phối ở nước này rất lớn. Hiện, mỗi trái thanh long bán ở Coles (chuỗi siêu thị hàng đầu Australia) có giá tới 4,9 USD (tương đương 80.000 đồng/trái). Tại các chuỗi siêu thị lớn như MCQ và các siêu thị, cửa hàng ở Melbourne, Adelaide, Sydney của Australia cũng đang bán thanh long với giá khoảng 9-15 AUD/kg.

Còn theo ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, thị trường này rất giàu tiềm năng cho thanh long và trái cây tươi của Việt Nam. Ấn Độ có 1,4 tỷ dân, trong đó 60% người dân nước này ăn chay. Món ăn của họ chủ yếu là rau quả. Trung bình mỗi người dân Ấn Độ sử dụng 3kg trái cây/tháng, cả nước sẽ tiêu thụ khoảng 48 triệu tấn/năm. Lâu nay, nước này chủ yếu nhập thanh long từ Thái Lan, Malaysia và Sri Lanka. Với ông Nguyễn Tiên Phong, Đại sứ Việt Nam tại Pakistan, đất nước hơn 200 triệu người này cũng là thị trường tiềm năng của thanh long và trái cây Việt Nam.

Mặc dù vậy, ông Vũ Bá Phú cho biết, thanh long Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nguồn cung khác ở lãnh thổ Đài Loan, Thái Lan, Malaysia… Để chiếm lĩnh thị trường, chúng ta cần phải tập trung nâng cao chất lượng, không mở rộng thêm diện tích. Ông Phú chia sẻ: “Thông qua hàng loạt sự kiện giao thương trực tuyến thời gian qua cho thấy, khá nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài quan tâm tới phát triển nguồn cung thanh long chất lượng cao từ Việt Nam”.

Chúng ta cần tiếp tục đa dạng các sản phẩm ngoài trái thanh long tươi như: thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép si rô, snack thanh long, rượu vang thanh long, kem thanh long, chả cá thanh long, bánh mì thanh long… để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, sản phẩm bột thanh long (còn gọi là bột Pitahaya) có hàm lượng dinh dưỡng và tác dụng rất tốt cho sức khỏe, được coi là “siêu thực phẩm nhiệt đới” để xuất khẩu. Đa dạng các sản phẩm giá trị gia tăng từ thanh long là hướng đi đúng để đa dạng kênh tiêu thụ, giảm sức ép mùa vụ, phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm.

(Nguồn: tintucnongnghiep.com)

Write your comment:
article