NGƯỜI DÂN HUYỆN PHÚ NINH TRẮNG TAY KHI DƯA HẤU KHÔ HÉO MÙA THU HOẠCH

19/04/2022

Chỉ 10 ngày nữa đến kỳ thu hoạch, song 250 hecta dưa hấu của nông dân huyện Phú Ninh lại chết dần, khiến họ rơi cảnh trắng tay. Hàng nghìn hộ dân ở "thủ phủ" dưa hấu của Quảng Nam đang đứng ngồi không yên vì hậu quả của đợt mưa lũ bất thường cuối tháng 3 đầu tháng 4. Vụ dưa hấu đông xuân, được xuống giống đầu tháng hai hứa hẹn bội thu, chỉ trong chớp mắt đã mất trắng.

Bà Nguyễn Thị Thu Lan (55 tuổi, thị trấn Phú Thịnh) trồng 8 sào dưa (sào 500 m²), tốn 30 triệu đồng tiền giống, phân bón, bạt. Sau hai tháng chăm sóc, cây cho quả đạt năng suất khoảng 15 tấn. Nếu tính giá năm trước là 5.000 đồng/kg, bà có thể thu gần 80 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, tiền lãi khoảng gần 50 triệu đồng.

Thế nhưng đợt mưa trái mùa hiếm thấy đã khiến ruộng dưa của bà ngập nước. Với hơn 20 năm chuyên canh dưa hấu, bà biết nếu không thoát nước nhanh dưa sẽ chết. Vì thế, dù mưa lớn từ 30/3 đến 1/4, cả gia đình bà vẫn túc trực ngày đêm ngoài ruộng đào mương khơi thông dòng chảy, nơi ngập sâu dùng máy bơm hút nước ra khỏi ruộng cứu dưa.

Thế nhưng nắng lên, 8 sào dưa của bà bắt đầu chết dần. Mỗi ngày trôi qua, những thân cây xanh ngắt chuyển sang khô héo. Để vớt vát, bà thu hoạch hai sào dưa trồng sớm được gần 2 tấn, bán giá 4.000 đồng/kg. Diện tích còn lại quả non bán không ai mua, bà đành bỏ tại ruộng.

"Vài ngày nữa tôi nhổ lên dọn sạch ruộng chuyển qua trồng lúa vụ tới", bà nói, cho biết vụ dưa này thất thu, mất hơn 20 triệu đồng vốn đầu tư, chưa kể công chăm sóc.

Nằm cạnh thị trấn Phú Thịnh, hơn 100 hecta dưa dấu của xã Tam Phước cũng rơi vào cảnh tương tự. Những ruộng dưa nằm xen lẫn cánh đồng lúa đang dần khô héo, quả nằm lăn lóc dưới ánh nắng. Nhiều nông dân dùng lá cây, rơm rạ trùm lên quả để cứu dưa nhưng không thành công. Bà Trương Thị Quýt (thôn Cẩm Khê, xã Tam Phước) thẫn thờ bên ruộng dưa 3,5 sào, đã trồng 64 ngày (70 ngày là có thể thu hoạch). "Mất trắng hết rồi", bà nói, cho biết, dưa hấu gặp mưa lớn kéo dài, ruộng bị ứ nước thì không thể phát triển. Lúc nắng lên, gốc và rễ sẽ thối rữa, không thể cung cấp dinh dưỡng nuôi cây. Vì vậy quả sẽ bị khô héo.

Không còn cách nào cứu nữa, bà đành phá bỏ để trồng mới. Nhiều hộ dân trong xã cũng đã nhổ cây, thu bạt để sử dụng cho vụ sau. "Nếu không có mưa, năm ngày nữa tôi thu hoạch khoảng 6 tấn dưa, thu về 30 triệu đồng. Vậy mà mất trắng", bà than thở.

Huyện Phú Ninh là vùng chuyên canh trồng dưa hấu lớn nhất tỉnh Quảng Nam, hộ trồng ít là vài sào, hộ nhiều 15 sào. Dưa hấu Phú Ninh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Dưa hấu Kỳ Lý" năm 2009. Trung bình mỗi năm, năng suất dưa hấu của ở huyện này đạt khoảng 27 tấn một hecta.

Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phú Ninh Trịnh Ngọc An, cho biết vụ dưa này địa phương trồng khoảng 387 ha, tập trung ở xã Tam Phước, Tam Lộc, Tam Thành... "Đợt mưa lớn bất thường khiến 259 ha dưa hấu hư hỏng, phòng đã báo và đề xuất tỉnh hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất", ông nói.

Lượng mưa trái mùa ở Quảng Nam từ ngày 30/3 đến 2/4 phổ biến 150-250 mm, có nơi trên 250 mm. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết mưa lũ khiến hơn 19.700 hecta lúa, rau màu bị hư hại, chiếm 33% tổng diện tích vụ đông xuân toàn tỉnh.

(Nguồn: Tin tức nông nghiệp)

Write your comment:
article