Ngân hàng tham gia vào vòng tròn canh tác với mô hình cho vay chuỗi giá trị nông nghiệp, hỗ trợ nông thôn đổi mới, giúp người nông dân đổi đời.
Nông nghiệp là lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng phát triển, dựa trên góc độ cung - cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Với nhu cầu phát triển cao, lĩnh vực này cần một sản phẩm cho vay đặc thù, như cho vay theo chuỗi giá trị, để tiếp sức cho hoạt động sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết - một mô hình gia tăng giá trị cho nông sản và các thành viên tham gia.
Tín dụng nông nghiệp truyền thống vốn còn nhiều hạn chế, sẽ khó đáp ứng được nhu cầu gia tăng về vốn, nhằm phát triển kinh tế nông thôn và tận dụng cơ hội. Cho vay theo chuỗi, ngược lại, có thể mang tới triển vọng mở rộng nguồn tài chính cho nông nghiệp một cách bền vững và ít rủi ro.
Khác với cho vay nông nghiệp đại trà, cho vay theo chuỗi áp dụng cho các thành viên trong vòng tròn hay hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp, từ các hộ dân nuôi trồng nguyên liệu đầu vào cho tới các nhà máy, hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản và các đơn vị bao tiêu nông sản đầu ra…
Với hình thức tín dụng này, người nông dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để phát triển sản phẩm nông nghiệp ổn định, từ đó tăng cường sinh kế, yên tâm bám trụ quê hương. Ngoài ra, các thành viên trong chuỗi có thể bổ trợ khả năng tiếp cận vốn cho nhau, khi mỗi thành viên là một mắt xích của chuỗi, có tính liên kết cao trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Đối với các ngân hàng, cho vay theo chuỗi giá trị là một mô hình có tiềm năng phát triển lớn, bền vững và khá an toàn, khi tệp khách hàng sẽ không ngừng mở rộng theo quy mô chuỗi và tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp giữa các thành viên trong chuỗi sẽ giảm thiểu rủi ro không trả được nợ.
LienVietPostBank là một trong số ít các ngân hàng thương mại tập trung khai thác tiềm năng của khu vực nông thôn với tín dụng nông nghiệp, trong đó có mô hình cho vay theo chuỗi. Năm ngoái, ngân hàng này đã triển khai sản phẩm cho vay vật tư nông nghiệp, làm tiền đề để khai thác sâu hơn phân khúc này trong tương lai.
Tại tỉnh Ninh Thuận, nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị như trồng nho, mía, sắn, cây dược liệu… được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Từ đầu năm 2022, sản phẩm cho vay vật tư nông nghiệp của LienVietPostBank đã đến tay nhiều nông hộ trồng nho theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh. Nhiều hơn nguồn vốn nhận được, các nông hộ này được ngân hàng tư vấn kỹ càng về giống cây, kỹ thuật trồng và cam kết thu mua bởi các đầu mối đại lý lớn, tạo cơ sở cho người nông dân yên tâm canh tác.
“Cho vay theo chuỗi giúp ngân hàng thuận lợi hơn trong công tác tiếp thị, thẩm định khách hàng cũng như kiểm soát mục đích sử dụng vốn, nguồn trả nợ của khách hàng, hạn chế rủi ro phát sinh. Với số lượng nông hộ trồng cây nông sản khá lớn, mô hình này có thể nhân rộng để phát triển tại địa phương”, đại diện chi nhánh LienVietPostBank Ninh Thuận đánh giá.
(Nguồn: Thanhnien.vn)