TĂNG CƯỜNG NỔ LỰC HẠ GIÁ RAU XANH

13/07/2021

Nhiều giải pháp để tăng nguồn cung rau xanh, củ quả, trái cây để "hạ nhiệt" giá cả mặt hàng này

Rau củ quả là mặt hàng tươi sống tiêu thụ chính ở kênh truyền thống, đang bị ảnh hưởng lớn khi 3 chợ đầu mối nông sản và hàng loạt chợ truyền thống ở TP HCM đóng cửa để phòng chống dịch.

Chị Nguyễn Thị Loan (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) làm nhân viên bán hàng trang sức tại một trung tâm thương mại, là ngành nghề không thiết yếu nên nghỉ làm từ đầu tháng 6 để phòng chống dịch. Khi thấy nhiều người quen than khó mua rau, giá rau đắt đỏ nên đầu tháng 7, chị quyết định gom đơn hàng rồi chuyển rau từ Gia Lai quê chị xuống TP HCM bán giá hỗ trợ cho người tiêu dùng.

Do dân "nghiệp dư" nên chị Loan tính chung giá 12.000 đồng/kg các loại rau ăn lá (rau lang, rau muống, cải ngọt, dền…), còn rau quả (cà chua, khổ qua, dưa leo, mướp…) đồng giá 25.000 đồng/kg để dễ tính tiền. Đến lúc hàng về đến TP HCM, do chi phí phát sinh nên chị lấy giá rau ăn lá 15.000 đồng/kg, rau quả 30.000 đồng/kg, khách trả thêm chi phí giao hàng nhưng mọi người đều vui vẻ vì tính ra giá vẫn tương đối "mềm" so với thị trường.

Còn chị Ngọc Châu (ngụ quận 8, chủ một cửa hàng trái cây cao cấp) thì lấy thêm rau quả từ Tiền Giang và Lâm Đồng do sẵn xe chở trái cây. Các loại rau ở đây được bán đồng giá 20.000 đồng hoặc 30.000 đồng/kg tùy nhóm. "Do tâm lý đang dịch bệnh nên người tiêu dùng tăng mua rau củ, rau ăn lá (bó xôi, cần tây, tần ô, xà lách…), chúng tôi bán giá rẻ hơn thị trường nên rất nhiều người mua. May là kinh doanh ngành thiết yếu nên chúng tôi vẫn giao hàng được" - chị Ngọc Châu bày tỏ.

Chị Trịnh Thị Ngọc Hiện, chủ Công ty CP Anfoods (Bến Tre, thương hiệu "Người giữ rừng" chuyên về thủy sản sinh thái) cũng lên chương trình mua hộ rau quả, trái cây cho khách hàng. "10 khách mua hàng thì có 5 người nhờ đặt mua giùm rau quả, trái cây, mỗi đơn hàng giá 200.000 đồng - 500.000 đồng và chúng tôi phục vụ phi lợi nhuận. Để tránh hư hỏng, chúng tôi chỉ nhận mua giùm các loại củ quả như bầu, bí, khổ qua, cà chua, dưa hấu chứ không nhận mua rau ăn lá. Công ty có xe chuyên dụng chở thực phẩm, tài xế thực hiện test Covid-19 âm tính nên trừ ngày đầu (9-7) hàng lên trễ, 2 hôm nay tương đối ổn định. Tuy nhiên, vì ở vùng chuyên thủy sản, không phải vựa rau nên cũng gặp khó khăn về nguồn cung, giá cao hơn bình thường" - chị Hiện chia sẻ. Hiện Anfoods đang bán bầu, bí đỏ 30.000 đồng/kg, bí xanh non 50.000 đồng/kg, dưa hấu khoảng 15.000 đồng/kg…

Ông Đào Văn Đức, Phó Giám đốc hợp tác xã Phước An (huyện Bình Chánh, TP HCM), chuyên cung cấp rau quả sạch vào siêu thị và các đầu mối tiêu thụ lớn, cho biết đang nỗ lực hết sức để cung ứng hàng ra thị trường. Hợp tác xã chủ yếu cung cấp cho hệ thống Co.opMart và Big C, còn lại bán giá vốn cho các điểm bị cách ly, phong tỏa.

"Đang mùa dịch nên việc thu mua rau từ nông dân cũng khó khăn, chúng tôi cố gắng vận động nông dân để bảo đảm cung ứng rau xanh cho thị trường TP HCM. Hợp tác xã ở TP HCM nhưng cũng có vùng nguyên liệu ở Long An và giao hàng tại kho siêu thị ở Sóng Thần (Bình Dương) nên tốn khá nhiều chi phí xét nghiệm cho đội giao nhận. Hợp tác xã thực hiện xét nghiệm cho 6 người, chi phí 238.000 đồng/người với test nhanh và 450.000 đồng/người xét nghiệm RT-PCR, chưa kể thời gian đi lại, chờ đợi xét nghiệm và có hiệu lực trong 3 ngày. Giá trị mặt hàng rau thấp nên chi phí xét nghiệm khá nặng đối với hợp tác xã nhưng chúng tôi cố gắng để bảo đảm giá bình ổn thị trường theo cam kết" - ông Đức cho biết.

Trong lúc nhiều chợ truyền thống ở TP HCM đóng cửa, chợ tự phát cũng không hoạt động nên người dân đặt mua rau tươi qua kênh online hoặc mua trực tiếp ở siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện lợi, dù vậy khá bất tiện vì chờ đợi lâu.

Trao đổi với báo chí chiều 11-7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, khẳng định giá rau tại siêu thị vẫn ổn định, không tăng nhưng còn thiếu so với nhu cầu người dân. Đến nay, hệ thống siêu thị Saigon Co.op đã tăng 4 lần, Bách Hóa Xanh tăng 5 lần sản lượng rau xanh để gánh bớt phần hụt của thị trường, song vẫn thiếu.

"Sở Công Thương đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để gia tăng nguồn cung rau quả, trái cây bằng cách thiết lập các điểm trung chuyển hàng hóa tại các bãi xe container cạnh chợ đầu mối. Ngay tối 11-7 sẽ mở điểm đầu tiên gần chợ đầu mối Thủ Đức, kiểm soát chặt về y tế để xe tải lớn giao hàng sỉ cho các xe nhỏ để thực hiện giãn cách cho các chành, vựa hiện tại" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin. 

(Nguồn: Tin tức Nông nghiệp)

Write your comment:
article