NÔNG SẢN TRUNG QUỐC GẮN MÁC NÔNG SẢN VIỆT

17/12/2021

Nhiều loại nông sản Trung Quốc được nhập về rồi được người bán gắn mác nông sản Việt như khoai tây Đà Lạt, nho xanh Ninh Thuận cho đến các loại nông sản phổ biến khác như cà rốt, hành tây... để qua mặt người tiêu dùng, tăng lợi nhuận.

Trong khi nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, nhiều loại nông sản giá rẻ Trung Quốc được nhập về khá nhiều, đặc biệt các sản phẩm tiêu dùng nhiều vào dịp Tết như đồ khô, rau củ quả... đang chiếm sóng từ chợ trời đến chợ mạng.

Nhập nhằng nguồn gốc

Thời gian gần đây, trên các sàn thương mại điện tử thường xuyên quảng cáo các sản phẩm nho xanh khô Ninh Thuận không hạt với giá chỉ 60.000 - 90.000 đồng/kg. Tại nhiều diễn đàn, mạng xã hội như "thực phẩm khô", "nho khô các loại...", hàng loạt thành viên quảng cáo chắc nịch "xả hàng nho khô Ninh Thuận, nho khô Mỹ..." với giá 50.000 - 80.000 đồng/kg thu hút nhiều người mua.

Liên hệ với một người bán có địa chỉ tại Hà Nội đang livestream quảng cáo "nho khô Ninh Thuận", chúng tôi được cam kết nếu mua sỉ nho khô trộn (nhiều loại) sẽ có giá 80.000 đồng/kg, nhưng nếu chỉ mua loại nho xanh khô có giá 60.000 - 70.000 đồng/kg... 

"Nho này không có hạt nên cam kết nho Ninh Thuận 100%, có nhãn mác rõ ràng" - người bán khẳng định.

Bà Phạm Hữu Nhật Kha - người trồng nho tại Ninh Thuận - cho biết đã đặt mua sản phẩm nho khô trên các sàn như Shopee, Lazada... và được người bán cam kết hàng Ninh Thuận và sản phẩm không có hạt. Tuy nhiên, hầu hết nho trồng tại Ninh Thuận là giống có hạt, vị thường hơi chua chứ không có vị ngọt gắt, vỏ mỏng và không hạt như nho xanh Trung Quốc.

Theo bà Trần Ái Như - đại diện Công ty Ba Mọi (Ninh Thuận), giá nho xanh Ninh Thuận đang được nhiều nhà vườn bán ra từ 60.000 - 70.000 đồng/kg tùy loại, thấp nhất cũng trên 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, cần 5-8kg nho tươi loại đẹp mới cho ra 1kg nho sấy khô. 

"Do đó, nho xanh Ninh Thuận sấy khô luôn có giá từ 200.000 đồng/kg trở lên, còn nho không hạt sấy khô giá rẻ nhiều khả năng là hàng Trung Quốc" - bà Như nhận định.

Nhiều sản phẩm mứt kiwi cũng được giới thiệu là hàng Việt với giá chỉ 60.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại nhưng các doanh nghiệp cho rằng loại quả này không thể trồng trong nước. Không chỉ "đội lốt" hàng Việt, các loại trái cây như nho và táo Trung Quốc cũng được "hô biến" thành hàng Mỹ, Úc... dù giá mua vào chênh lệch một trời một vực.

Thường xuyên mua hàng tại chợ đầu mối, ông Việt - chủ cửa hàng rau củ (Bình Thạnh, TP.HCM) - thừa nhận khoảng 70% cà rốt, khoai tây, hành tây (hành trắng)... ông đang bán là hàng Trung Quốc nhưng khi giới thiệu với người mua phải nói hàng Đà Lạt. 

"Mùi vị thường không khác biệt nhiều nhưng do tâm lý người dân e ngại hàng Trung Quốc nên khi bán mình phải giới thiệu hàng Việt" - ông Việt nói.

Phải tăng chế tài đối với người bán

Theo ông Lưu Đức Lập - giám đốc Công ty Agri Đức Tiến (Lâm Đồng), giá nhiều loại nông sản trong nước, đặc biệt là hàng Đà Lạt như cà rốt, khoai tây, hành tây... tăng cao vào cuối năm nên nhiều người bán nông sản giá rẻ Trung Quốc nhưng lấy mác hàng Việt để dễ tiêu thụ.

"Dù sản phẩm cùng loại nhưng cà rốt, khoai tây, bắp cải... của Trung Quốc có giá thấp hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với hàng trong nước. Do đó, nếu "qua mắt" được khách hàng thành công, người bán sẽ lãi đậm" - ông Lập nói.

Trả lời chúng tôi, đại diện sàn Shopee cho biết các biện pháp chế tài đối với nhà cung cấp đã được siết chặt hơn cũng như tăng quyền lợi đối với khách hàng, cho phép hoàn trả sản phẩm, yêu cầu đền bù thỏa đáng...

"Tuy vậy, một số đơn vị bày bán như sản phẩm nhà làm, hàng của nông dân, cơ sở nhỏ... nên sàn sẽ tạo điều kiện hơn, các quy định về giấy tờ liên quan không quá khắt khe như đối với doanh nghiệp" - vị này giải thích.

Đại diện Lazada cũng cho biết đã siết chặt hơn quy định về nguồn gốc, chất lượng thực phẩm và hóa mỹ phẩm bán trên sàn, nhưng nhiều người bán lách quy định bằng cách đăng ký sai lệch thông tin sản phẩm, ngành hàng...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Hữu Linh - tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết do ảnh hưởng dịch COVID-19, hoạt động mua sắm online gia tăng rất mạnh, đặc biệt dịp cận Tết nên dù tăng cường kiểm soát nhưng chỉ xử lý phần nào các vi phạm về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.

"Trong năm 2022, chúng tôi sẽ có một đề án về chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử để trình Chính phủ, trong đó nhấn mạnh việc tăng thêm trách nhiệm của nhà cung cấp, sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu vào" - ông Linh khẳng định.

(Nguồn: Tuổi trẻ)

Write your comment:
article