Dù năm 2021, đại dịch Covid 19 diễn ra khốc liệt tại khu vực phía Nam, nhưng ngành nông nghiệp không ngừng cố gắng vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế.
Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2021 và 90 ngày nữa là Tết nguyên đán. Dù năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn ra khốc liệt tại khu vực phía Nam, nhưng ngành nông nghiệp không ngừng cố gắng vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, chúng ta thấy sự thay đổi vị trí của của những mặt hàng chủ lực. Tại ĐBSCL, thủy sản vẫn giữ vững vị trí vượt trội, nhìn chung do áp dụng sớm tiêu chuẩn vào chuỗi sản xuất. Và trong 5 tháng đầu năm 2021, cơ cấu các mặt hàng nông sản xuất khẩu có sự thay đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng, trong đó rau quả 2,971 tỷ USD (năm 2020 là 3,269 tỷ USD), hạt điều 2,987 tỷ USD (năm 2020 là 3,211 tỷ USD)…
Tín hiệu đáng mừng cho ngành rau và trái cây năm nay là các dự án hỗ trợ quốc tế dành ưu tiên cho ngành này.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã khởi động Năm Quốc tế về rau và trái cây 2021 (IYFV). JICA (Nhật Bản) hỗ trợ các dự án trồng tỏi ở Nghệ An, dưa hấu ở Quảng Trị và bảo quản rau quả tươi ở Lâm Đồng hay UNIDO với hỗ trợ viếc áp dụng và chứng nhận tiêu chuẩn qua Hệ thống Hạ tầng Chất lượng cho chuỗi giá trị xoài ở Đồng Tháp; dự án CoopEnable do Ngân hàng Phát triển Đức và tổ chức SGS Việt Nam tài trợ, đã hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP và LocalGAP cho các hợp tác xã trái cây và lúa ở Đồng Tháp và Cần Thơ.
Hệ thống bán lẻ khắp các thị trường nhập khẩu lớn thế giới đã và đang xem GlobalGAP là lựa chọn duy nhất để mua hàng trong khi các tổ chức hỗ trợ quốc tế cũng áp dụng GlobalGAP nhằm xây dựng năng lực cạnh tranh cho các HTX cây ăn trái tại Việt Nam.
Nguyên nhân vì đây là tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt thuộc khối tư nhân có tuổi đời "già nhất" (khai sinh vào năm 1997) và lại được phát triển và tham vấn bởi các nhà khoa học uy tín, đại diện nhà sản xuất (nông dân), nhà bán lẻ, nhà sản xuất vật tư nông nghiệp, các tổ chức chứng nhận, tổ chức tư vấn, thử nghiệm & giám định. Điều này giải thích vì sao GlobalGAP được chấp nhận rộng rãi và bền vững bởi các nhà bán lẻ trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, có một thực tế là nông dân các nước đang phát triển như Việt Nam thường khó đạt được chứng nhận GlobalGAP do hạn chế về năng lực tổ chức và chưa có "thói quen" làm theo tiêu chuẩn. Hệ quả của việc này là nông dân không thể nào đưa được sản phẩm của họ đi xa khỏi Việt Nam và chúng thường xuyên kết thúc tại các phiên "giải cứu".
Về phía nhà nhập khẩu và các siêu thị nước ngoài, họ cũng gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng món ngon vật lạ khắp nơi của người tiêu dùng xứ họ. LocalGAP ra đời từ đó, như một giải pháp thiết thực cho lợi ích của cả siêu thị lẫn nông dân.
Từ cuối 2017, Hội Hàng Việt Nam Chất lượng cao đã bắt đầu đàm phán với GlobalGAP cho tư cách chủ sở hữu chương trình này tại Việt Nam, và vào tháng 1/2018, GlobalGAP và Hội chính thức ký kết Thỏa thuận Chủ sở hữu chương trình LocalGAP tại Việt Nam và đồng hành cùng Hội Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho đến nay.
Chương trình LocalGAP (3 khối màu cam) được phân chia thành 3 cấp độ khởi đầu, cơ bản và bước trung gian, các nhà vườn có thể lựa chọn cấp độ vừa với thực tế của họ và nâng cấp dần. Điều này giúp đảm bảo rằng một khi nhà vườn cương quyết làm tiêu chuẩn, sẽ không có ai trong số họ bị bỏ lại phía sau.
Đây là sáng kiến giúp họ từng bước tự tin bước vào thị trường toàn cầu, và tất cả cố gắng của họ, cho dù ở mức bắt đầu, cũng sẽ được nhận biết.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, cho biết: Tiêu chuẩn GlobalGAP hiện nay được phổ biến nhiều nhất trên thị trường quốc tế, sau một thời gian hợp tác thì Tổ chức GlobalGAP và Hội đã đồng ý phối hợp và thừa nhận tiêu chuẩn LocalGAP. Đây là tiêu chuẩn bước đệm, khi đạt được chứng nhận thì được cấp mã số LGN (LocalGAP number). Số này công bố trên website chính thức của GlobalGAP, các nhà bán lẻ có thể tiếp cận dễ dàng. Nhiều nước không triển khai được chương trình này do GlobalGAP không tìm được đối tác tương xứng.
Năm 2017, GlobalGAP đã cử chuyên gia qua Việt Nam để đào tạo tư vấn viên trong ngành chăn nuôi. Đến tháng 9, Việt Nam đã có tư vấn viên đầu tiên được cấp chứng chỉ hoạt động là chị Nguyễn Kim Thanh và là chuyên gia chính của chương trình Hàng Việt Nam Chất lượng cao - Chuẩn hội nhập.
Hội sẽ đồng hành và dành chi phí hỗ trợ cùng doanh nghiệp và cùng Bộ NN-PTNT trao chìa khóa vàng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã quyết tâm thực hiện việc tiêu chuẩn hóa khi tham gia thị trường trong nước và thế giới.
(Nguồn: Nông sản Việt)